Vững vàng COMA trên công trường Nhiệt điện Hồng Sa

Nhận chức Chánh văn phòng TCty COMA được 4 tháng, còn chưa ấm chỗ, Nguyễn Hữu Toàn được điều động sang cầm quân thiện chiến COMA trên đất bạn Lào. Và cũng chừng ấy thời gian sau khi những bàn chân đầu tiên của cán bộ, kỹ sư và công nhân COMA đặt  lên đất vùng đất lạ, các anh đã nhanh chóng bắt tay vào việc, hoàn toàn làm chủ một phần hạng mục quan trọng đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao và công tác tổ chức thi công chuyên nghiệp trên công trình Nhà máy Nhiệt điện Hồng Sa.

 

1. Nhà máy Nhiệt điện Hồng Sa là Dự án Nhiệt điện lớn nhất Đông Nam Á với 3 tổ máy có tổng công suất 1864 Mw. Dự án sử dụng nguồn mỏ than tại chỗ thuộc thị trấn Hồng Sa,tỉnh Xayaburly. Dự án do Thái Lan và Lào hợp tác đầu tư, cam kết khai thác sản xuất điện phục vụ Thái Lan trong khoảng 20 năm, sau sẽ bàn giao lại cho Lào.

Ở cái vùng đất rộng mênh mông với bạt ngàn cây xanh trên những ngọn đồi, giao thông đi lại thuận lợi ngay vùng giáp ranh biên giới Thái Lan, lại nằm trên mỏ than gần như lộ thiên mà nhiều khu vực máy xúc, máy ủi đào sơ sơ đã thấy bật lên lớp than đen nhay nháy…khỏi phải nói những ông chủ đầu tư quyết tâm và mong mỏi đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa Nhà máy vào vận hành khai thác như thế nào. Và cũng chính vì thế, việc đầu tư xây dựng, quản lý thi công… tiêu chuẩn cao và bài bản hơn bao giờ hết.

Công trình do Nhà thầu SANDVIK Mining & Construction (Áo) làm tổng thầu thi công, đòi hỏi quy trình xây dựng vô cùng nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn châu Âu mà ở đó nơi ăn chốn ở,điều kiện sống và làm việc an toàn của người lao động đặt lên hàng đầu. TCty COMA được chọn là nhà thầu phụ triển khai lắp đặt hệ thống cung cấp than và chuyển thải vật liệu cho nhà máy (bao gồm các máy đánh đống, máy rải liệu, thiết bị nâng-chuyển, hệ thống băng tải than và phế thải…).Thời gian thi công từ tháng 9/2013 đến hết năm 2014.

 

2. Để triển khai gói thầu bảo đảm tiến độ và chất lượng, TCty COMA đã lựa chọn 04 doanh nghiệp thành viên là Cty COMA 17, COMA 2, COMA 1 và COMAEL tham gia lắp đặt cơ khí và một phần hệ thống điện. Đã có khoảng 150 lao động lành nghề của COMA được đưa sang nước bạn Lào và dự kiến khi bước vào giai đoạn cao điểm sẽ có khoảng 300 lao động lành nghề Việt Nam được “xuất khẩu” sang công trình này.

Có một điểm đặc biệt dễ nhận thấy lãnh đạo COMA khá táo bạo khi quyết định dồn tinh lực và sức trẻ trên công trường này. Tổng chỉ huy trên công trường Nguyễn Hữu Toàn –  Giám đốc BĐH Dự án tuổi đời mới 35. Trước khi sang cầm quân ở Hồng Sa, anh là tân Chánh văn phòng của TCty nhưng cũng là một cán bộ quản lý có thâm niên trên nhiều công trình xây dựng của COMA. Anh Toàn cho biết: Việc tập trung triển khai được trên trăm lao động và các phương tiện thiết bị đi vào hoạt động là sự nỗ lực không nhỏ.

Dẫn chứng là, mỗi LĐ ngoài hộ chiếu nhập cảnh sang Lào còn phải bảo đảm có giấy của Chính phủ cho phép được làm việc và cư trú trên đất bạn. Sự chuẩn bị cho nhân lực lao động cũng lắm công phu. Ngoài đội ngũ kỹ sư, cán bộ dày dạn kinh nghiệm, đội ngũ công nhân lành nghề, thiện chiến còn cả bộ máy lao động “gián tiếp” phục vụ: đội hậu cần bếp núc gồm những đầu bếp, nhân viên chuyên nghiệp của một Cty có chức năng kinh doanh dịch vụ ăn uống; Đội thợ điện nước lên tới 23 người thay phiên nhau trực ngày đêm vận hành trạm nước sạch và xử lý nước thải tại khu lán trại sinh hoạt cách công trường chừng 8 km, tổ phiên dịch, tổ y tế…Mỗi một bộ phận tạo nên cả bộ máy tinh gọn, mang đến mảnh đất Hồng Sa yên bình sức sống tươi mới, hòa đồng và thân thiện, có tổ chức của người Việt Nam.

Toàn bộ máy móc, phương tiện thi công phải đưa từ Việt Nam sang và được nhà thầu chính kiểm định bảo đảm an toàn chất lượng mới được phép đi vào hoạt động. Kể về câu chuyện vận chuyển những chiếc cẩu lớn vượt chặng đường khoảng ngàn cây số từ Việt Nam sang đến công trường giọng anh Toàn như chùng hẳn xuống, nhẩm đếm lại những hành trình đặc biệt đó tính bằng hàng chục ngày trời. Sang đến nơi rồi, COMA phải trình ra hàng loạt giấy tờ hợp lệ về thiết bị, sau đó chờ nhà thầu chính kiểm tra, cấp giấy chứng nhận bảo đảm tiêu chuẩn và an toàn sử dụng mới được đưa vào hoạt động.

 

 

3.. Gói thầu “lắp đặt hệ thống cung cấp than cho nhà máy nhiệt điện Hồng Sa” là gói thầu có địa bàn thi công trải dài trên 15km, tổng khối lượng thiết bị 21.500 tấn, trị giá 16,5 triệu USD, yêu cầu một lượng lớn kỹ sư và công nhân lao động  lành nghề (khoảng 500 người) cùng với hệ thống trang thiết bị thi công tương ứng (khoảng 10-15 cần trục từ 20 đến 200 tấn) và các thiết bị phụ trợ khác. Nói về công việc triển khai, Giám đốc Nguyễn Hữu Toàn cho biết Nhiệt điện Hồng Sa không phải là công trình khó với COMA. Cái khó nhất là yêu cầu mọi tiêu chuẩn đều cao, nghiêm ngặt và tỷ mỉ. Khoát tay một vòng khu vực mặt bằng thi công mênh mông của COMA, nơi khởi nguồn lắp đặt hệ thống cung cấp than sẽ chạy dài trên 10km, anh Toàn dẫn chứng: Đoạn băng tải đầu tiên lắp đặt chỉ dài có mấy trăm mét nhưng nằm trên hệ thống ray hàn liền không hề có khoảng cách từ điểm đầu đến điểm cuối. Nhà thầu yêu cầu các mối hàn dung sai cho phép chỉ từ 1 -2 milimet. Bản thân nhà thầu SANDVIK cũng thừa nhận đây là công trình đầu tiên đưa quy trình hàn ray không khoảng cách vào áp dụng. Nhưng vượt qua bỡ ngỡ ban đầu, COMA nhanh chóng làm chủ công nghệ với tỷ lệ hàn lại không quá 2% tổng số các mối hàn đã thực hiện. Chả thế mà khi trao đổi với phóng viên trên công trường Hồng Sa, vị chuyên gia đại diện cho nhà thầu chính nhắc đi nhắc lại: “việc điều hành của COMA rất ổn, họ chỉ cần tăng cường thêm nữa lao động thì việc hoàn thành trước tiến độ là hoàn toàn trong tầm tay”. Hiện tại, COMA đang nỗ lực tiếp cận thiết bị do nhà thầu cung cấp từ nhiều nguồn khác nhau: Trung Quốc, Thái Lan và một phần thiết bị tiên tiến của châu Âu làm chủ công việc của mình.

 

4. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu như những ngày này và có lẽ hết 6 tháng đầu năm 2014 tới, cụm từ “Nhiệt điện Hồng Sa” sẽ còn được người COMA và các lãnh đạo nhắc đến nhiều nhiều . Mảnh đất xa xôi của nước bạn bỗng trở nên thân thương, gần gũi bởi ở đó có công trình mà người COMA dồn vào đó không hề ít sự nhiệt huyết và tâm sức. Hàng tuần tại công trường và các cuộc giao ban của TCty tiến độ và công việc của Hồng Sa luôn nóng bỏng và được quan tâm đặc biệt. Có câu chuyện ấn tượng mà rất ít người biết đến là COMA đã vượt qua 3 – 4 nhà thầu các nước trong khu vực để được chọn làm nhà thầu lắp đặt hạng mục này. Còn ấn tượng hơn nếu biết rằng đây là hợp đồng ký kết trên nguyên tắc làm đến đâu thanh toán đến đó, không có chuyện ứng trước. Chính vì thế không có cách nào khác, COMA phải chứng minh được năng lực tài chính và trình độ triển khai của mình. Chính những lãnh đạo cao nhất của COMA đã có những nghĩa cử mạo hiểm và cao đẹp khi đem cả sổ đỏ, tài sản riêng của gia đình ra thế chấp để huy động vốn triển khai công việc. Chắc chằn đó không phải vì động lực lợi nhuận thu về cho cá nhân mà cao hơn cả là trách nhiệm tìm kiếm công ăn việc làm cho hàng trăm lao động lành nghề, tăng trưởng doanh thu trong giai đoạn vô cùng cam khó này.

Đến thời điểm này, COMA mới hoàn thành 15% khối lượng công việc nhưng không quá sớm để nói rằng người COMA “lời” được giá trị lớn từ công trường như: Bài học phát huy tinh thần đoàn kết, đồng tâm hợp sức vượt khó; Bài học thi công quản lý công trình tiêu chuẩn châu Âu yêu cầu cao và nghiêm ngặt; Bài học chăm lo quan tâm đưa người lao động lên vị trí quan trọng nhất quyết định sự thành công. Chúng tôi sẽ tiếp tục đi sâu vào đề tài này trong số báo tới đây!